Người châu Á có câu “Yêu cho roi vọt, ghét cho ngon ngọt”. Kỷ luật “sắt” và yêu cầu cao đối với lũ trẻ là nguyên tắc của giáo dục phương Đông. Trẻ em phải học cực nhiều, hết học ở trường lại học ở nhà, học thêm ở ngoài. Chúng bị buộc phải bỏ mất tuổi thơ để đổi lấy tương lai ổn định. Nhiều người hy sinh tất cả vì con, thậm chí bỏ việc của mình để kèm con học suốt ngày.Không ít người cho rằng tài năng được rèn rũa trong roi vọt.
Đầu năm nay, câu chuyện một bà mẹ dạy con quá nghiêm khắc đã gây ra một cuộc tranh luận ồn ào chưa từng thấy tại nước Mỹ. Nhân vật chính ở đây là bà Amy Chua – tự xưng Mẹ Hổ – có lẽ vì bà sinh năm Hổ (1962), hoặc vì bà cho là mình đã dạy con nghiêm như Hổ mẹ.
Amy Chua có cha mẹ là người Hoa từ Phillippines di cư sang Mỹ đã lâu. Hiện nay bà là giáo sư trường Luật thuộc Đại học Yale, chồng bà là ông Jed Rubenfeld người Mỹ gốc Do Thái, giáo sư cùng trường. Họ có hai cô con gái là Sophia và Louisa, năm nay 18 và 15 tuổi. Chúng được Mẹ Hổ dạy dỗ kèm cặp từ nhỏ, theo bà nói nay đã “thành tài”: 4 tuổi đọc sách của văn hào Jean Paul Sartre; tất cả các môn học đều đạt thành tích cao nhất; Sophia 14 tuổi độc tấu dương cầm tại Phòng Hòa nhạc thành phố; Louisa là cây vĩ cầm chủ lực của dàn nhạc giao hưởng thiếu niên thành phố; ...
Giữa tháng 1 vừa rồi, Amy Chua định xuất bản cuốn sách bà mới viết, có tên Chiến ca của Mẹ Hổ . Sách Chiến ca của Mẹ Hổ dầy 256 trang tiếng Anh, ngay trong ngày phát hành đầu tiên đã được xếp hạng bestseller thứ 6 trên mạng bán sách Amazon. Khoảng 100 nghìn lời bình sách này xuất hiện trên mạng xã hội Facebook..
Sau khi tạp chí Time số cuối tháng 1/2011 đưa chuyện Mẹ Hổ lên trang bìa, cuộc tranh luận về cách dạy con của Amy Chua lan ra khắp năm châu “như một cơn sốt vi rut”. Mẹ Hổ quả thực làm rung chuyển cả thế giới.
Một số người tán thành Amy Chua, nhưng đa số, trong đó có cả nhiều bà mẹ Trung Quốc, phản đối gay gắt, gọi bà là “quý sứ”, là “mẫu người nguy hiểm” của xã hội, buộc tội bà “ngược đãi” con. Trong số hàng chục nghìn bức thư gửi Amy Chua, một số người còn đe dọa “khử” bà. Nhiều người kêu gọi phê phán Mẹ Hổ, vì nếu không “bà ta sẽ kiêu ngạo tiếp tục hành hạ lũ con mình”.
Amy Chua rất khổ tâm. Trả lời phỏng vấn của tuần báo Newsweek, bà nói: “Có người dọa giết tôi, có người bảo tôi nên cút về Trung Quốc, họ gọi tôi là quái vật ... khiến tôi rất ngạc nhiên.”
Mẹ Hổ dạy con như thế nào?
Cách dạy con của Amy Chua thực ra chẳng có gì xa lạ với người Việt Nam; còn với người Trung Quốc thì quá bình thường. Tuổi thơ của rất nhiều trẻ em Trung Quốc bị bố mẹ bắt dùng hết vào việc học; xuất hiện những “thần đồng” hơn 10 tuổi đã viết tiểu thuyết hái ra tiền, 13 tuổi vào Đại học... Phương Tây cũng biết cả. Có điều khi viết chuyện dạy con ấy ra sách thì lại khác, người phương Tây cảm thấy “kinh khủng, khiếp hãi”, “không thể hiểu nổi”.
Sophia và Louisa (tên thân mật là Lulu) suốt đời sống trong sự rèn cặp của bà mẹ mà chúng gọi yêu là Mẹ Điên, vì bà bắt chúng học như điên mọi thứ theo ý bà. Amy Chua từng nói sở dĩ trẻ con không yêu thích công việc là do chúng chưa thạo công việc ấy; khi nào đã thạo thì chúng sẽ thích công việc. Người phương Tây quá tôn trọng cá tính và sở thích, nguyện vọng của con nên thiếu nghiêm khắc với con. Người châu Á thì chỉ lo chuẩn bị tương lai cho con, vì thế bắt con phải chăm học từ nhỏ, có vậy sau này ra đời chúng mới sống được trong cuộc cạnh tranh tàn khốc.
Amy Chua viết: Nhiều người muốn biết phụ huynh người Hoa dạy con như thế nào để chúng trở thành những đứa trẻ thành công, những thiên tài toán học hoặc thần đồng âm nhạc, dù chúng không muốn. Sau đây là những điều Sophia và Louisa phải tuân theo:
- Không được qua đêm ở nơi không phải nhà mình;
- Không được xem phim;
- Không được tham gia biểu diễn văn nghệ ở trường;
- Không được than phiền vì điều cấm ấy;
- Không được xem truyền hình hoặc chơi game máy tính;
- Không được tự chọn hoạt động ngoại khóa (mà do mẹ chọn);
- Điểm sát hạch, điểm thi tất cả các môn học phải đạt mức A (tức cao nhất);
- Trừ môn thể dục và sân khấu ra, thành tích học tất cả các môn khác đều phải nhất lớp;
- Trừ dương cầm và vĩ cầm ra, không được chơi bất cứ nhạc cụ nào khác;
Amy Chua viết: Các bậc cha mẹ phương Tây dù nghiêm khắc đến đâu cũng không bằng cha mẹ người Hoa. Thí dụ, họ cho rằng bắt con mỗi ngày tập đàn từ 30 phút đến 1 giờ là quá nghiêm khắc, nhưng các bà mẹ người Hoa thì bắt con tập đàn liền 3 tiếng đồng hồ. Người Hoa cho rằng con học không giỏi là do cha mẹ chưa làm tròn bổn phận. So với người phương Tây, hàng ngày họ bỏ ra thời gian gấp 10 lần để bàn chuyện học tập với con. Thực ra cha mẹ người Hoa có thể làm nhiều chuyện rất khó tưởng tượng, thậm chí người phương Tây cho là phạm luật. Họ có thể nói với con một cách không lịch sự nhẹ nhàng, chẳng hạn bảo con “Thằng (Con) béo kia! Phải giảm cân đi!”, còn người phương Tây vì ngại xúc phạm con nên chỉ đi đi lại lại bên cạnh con, nói bóng gió về chuyện giữ sức khỏe chứ không hề động đến từ “béo”. Hậu quả là sau đấy con họ lại ăn uống thỏa thê.
Amy Chua cho rằng phụ huynh người Hoa suy nghĩ khác người phương Tây ở 3 điểm:
1- Người phương Tây rất ngại làm tổn thương lòng tự tin, tự trọng của con, cho nên thường hay khen con quá mức, khi con bị điểm xấu cũng vẫn khen, còn người Hoa thì mắng ngay và hỏi cho ra nhẽ tại sao bị điểm xấu. Nói khác đi, phương Tây quan tâm tới tâm lý của con, còn người Hoa thì không quan tâm, họ rất kiên quyết; cho nên kết quả khác nhau.
2- Người Hoa cho rằng con cái phải biết ơn cha mẹ về mọi chuyện họ làm cho chúng, do đó chúng phải phục tùng cha mẹ, phải cố làm cho cha mẹ tự hào. Nguyên nhân có thể do quan niệm của Nho giáo và do cha mẹ hy sinh vì con rất nhiều.
3- Cha mẹ người Hoa tin rằng họ biết điều gì là tốt nhất đối với con mình, cho nên họ phớt lờ yêu cầu và thị hiếu của con mà cứ ép buộc con làm theo ý họ, dù chúng không thích. Thí dụ nữ sinh trung học người Hoa không được có bạn trai và không được qua đêm ở ngoài nhà mình.
Amy Chua kể: Hồi Lulu (tên thân mật của Louisa) lên 7, cháu vẫn chơi hai nhạc cụ, và đang tập chơi piano bài Chú lừa con lông trắng. Bản nhạc rất hay nhưng vì còn nhỏ nên Lulu khó phối hợp được hai tay Tôi kèm cháu tập suốt cả tuần. nhưng tay cháu cứng đờ tập mãi không được. Cuối cùng, Lulu chán nản và tức giận bỏ đàn, giậm chân thình thịch. Tôi ra lệnh: “Ngồi vào đàn ngay!” Lulu cãi: “Mẹ không được bắt con làm thế.” Tôi bảo: “Ô hay, mẹ được làm thế đấy!”
Sau khi ngồi vào đàn, con bé phản ứng bằng cách bấm phím loạn xạ rồi bỗng dưng xé bản nhạc vứt đi. Tôi dán lại bản nhạc rồi kẹp vào bìa ni lông, để nó không thể xé được nữa. Rồi tôi kéo túi đồ chơi của Lulu đến bên chiếc ô tô và bảo: “Nếu ngày mai con chưa tập được bài ấy thì mẹ sẽ đem chỗ đồ chơi này cho đội Xì-cút.” Con bé nói: “Mẹ nên đem cho hết đi từ lâu rồi mới phải.” Tôi dọa không cho cháu ăn trưa, ăn tối, không có quà Giáng sinh, 2-3-4 năm tới không có tổ chức sinh nhật.
Jed kéo tôi ra ngoài khuyên tôi chớ nên mắng Lulu; anh ấy cho rằng dọa con chỉ vô ích, Lulu hoàn toàn không có kỹ năng phối hợp hai tay chơi đàn. Tôi bảo: “Như thế là anh chưa tin vào con bé. Sophia bằng tuổi này đã chơi được bài nhạc ấy rồi.” “Nhưng Lulu không phải là Sophia!” “Không phải thế”, tôi trừng mắt....” Anh cứ để mặc em. Em sẽ dạy nó tập kỳ được mới thôi, em sẵn sàng mang tiếng là người ác đấy!”
Tôi xắn tay áo, kèm Lulu tập đàn bằng đủ mọi cách cho tới bữa ăn tối, không cho cháu nghỉ một phút nào, không cho uống nước, không cho đi toa-lét. Phòng tập đàn cứ như bãi chiến trường.
Cuối cùng không khí chán nản biến mất. Hai tay Lulu đã có thể phối hợp được với nhau. Hai mẹ con cùng cảm thấy sắp thành công rồi. Tôi thở dài khoan khoái. Lulu mỉm cười nói: “Mẹ xem này, dễ thôi mà!” Sau khi chơi thạo bản nhạc, nó không muốn rời cây đàn. Tối hôm ấy cháu ngủ chung giường với tôi. Hai mẹ con ôm nhau như không muốn xa rời nữa.
Mấy tuần sau, Lulu biểu diễn bài Chú lừa con lông trắng rất thành công. Các vị phụ huynh đến nhe xúm lại chỗ tôi khen: “Ôi, Louisa giỏi quá!”
Từ đó trở đi Jed cứ khen tôi hoài...
Người phương Tây tôn trọng cá tính của con, khuyến khích con theo đuổi nguyện vọng của chúng, ủng hộ sự lựa chọn của con và tạo điều kiện cho con thực hiện nguyện vọng ấy. Ngược lại người Hoa tin rằng cách tốt nhất để bảo vệ con là chuẩn bị cho con có một tương lai tốt, làm cho chúng hiểu rằng chúng có thể làm được một việc nào đấy, giúp con có được kỹ năng, thói quen làm việc và có tự tin – đó là những thứ không ai có thể lấy mất khỏi chúng.
Amy Chua là ai?
Amy Chua thừa hưởng phương pháp dạy con nghiêm khắc từ chính cha mẹ mình, những người đã dạy 4 cô con gái của họ khá thành công: cô cả Amy Chua và cô thứ ba Katrin trở thành giáo sư của hai trường ĐH danh tiếng Yale và Stanford. Cô út bị bệnh Đao nhưng từng đoạt hai huy chương vàng môn bơi tại Thế vận hội người tàn tật. Bản thân ông bố cũng là giáo sư khoa Máy điện và Máy tính ĐH California, Berkeley. Một nhà 6 người mà có tới 3 là giáo sư 3 trường ĐH danh tiếng ở Mỹ chứng tỏ gia đình này có truyền thống gia giáo rất tốt; là một điển hình thành công của Giấc Mơ Mỹ. Vì vậy không có lý do gì nghi ngờ Amy Chua là người có tâm lý không bình thường. Năm 22 tuổi, bà tốt nghiệp khoa kinh tế ĐH Harvard với thành tích “cực giỏi”.
Nên dạy con theo cách nào?
Cách dạy con của phương Đông và phương Tây đều có những mặt mạnh và yếu, không thể đơn giản thay thế nhau.
Cách đây ít lâu ở ta có phổ biến trên mạng tài liệu “Dâu Tây dạy con”. Nhiều người thấy hay đã thử áp dụng, nhưng chẳng được bao lâu đành thôi. Lý do: trẻ con ta khác trẻ con Tây, khác từ hàng ngàn năm nay. Trẻ con Tây có tính tự lập cao từ nhỏ.. Ở Nga muốn bế một đứa bé 2 tuổi thì luôn bị nó từ chối: “Sam, sam ...” (Để cháu tự đi) – khác hẳn trẻ con ta thích bế ẵm. Ra bãi biển, thường thấy trẻ con Tây 2-3 tuổi chơi giỡn sóng không có bố mẹ kèm. Ở ta không ai để con chơi như vậy và lũ trẻ cũng không dám chơi một mình.
Người châu Á dành quá nhiều sức cho việc kèm cặp chăm chút dạy bảo con từng ly từng tý, lúc nào cũng sợ con ốm con hư. Trẻ con Tây được tự do hơn. Nữ sinh trung học có quyền dẫn bạn trai vào phòng ngủ của mình, bố mẹ không được can thiệp. Ở ta, con cái bị cha mẹ cấm đủ thứ. Quả thật, không cấm thì chúng rất dễ hư, làm khổ cha mẹ.
Phương Tây rất chê cách dạy con của phương Đông, cho là không tôn trọng nhân quyền, thiếu nhân tính, chuyên chế áp đặt, tước mất tuổi thơ của lũ trẻ; chúng có thể học giỏi nhưng giỏi thuộc lòng chứ không có sáng tạo. Nhà kinh tế lừng danh Larry Summers (nguyên Bộ trưởng Tài chính thời Tổng thống Clinton, cố vấn kinh tế mấy đời Tổng thống Mỹ) khi tranh luận với Amy Chua có nói: nếu các bà mẹ của Gates và Zuckerberg là Mẹ Hổ thì họ nhất định không cho con trai họ bỏ học ĐH Harvard để lập công ty riêng, và như thế loài người sẽ không có Microsoft và Facebook.
Có người ví trồng người như thể trồng cây. Ở phương Đông, cây được cha mẹ che chắn, chăm bón từ nhỏ, cây lớn nhanh nhưng khi gặp mưa bão sâu bọ thì dễ hỏng. Tại phương Tây, cây mọc trong rừng không được cha mẹ chăm sóc mà phải tự lớn lên, thân cứng cáp, nhưng lớn chậm, có điều khi đã lớn thì rất khó bị mưa bão sâu bọ làm hỏng.
Đúng là Trung Quốc hiện nay đào tạo được nhiều kỹ sư hơn Mỹ, nhưng vẫn chưa hề có giải Nobel nào cả! Nhưng người châu Á không phải không có lý khi bào chữa: thà để con bị mất tuổi thơ còn hơn là để chúng ra đời không có tương lai sáng sủa. Xã hội phương Tây được tổ chức tốt hơn, trật tự, kỷ cương; mọi công dân, nhất là trẻ em, được nhà nước chăm sóc chu đáo, thậm chí được bảo đảm có cuộc sống ổn định từ trong bụng mẹ cho tới khi xuống mồ, cha mẹ già không phải nhờ cậy con. Họ có thể cho con chơi game tùy ý mà con vẫn trưởng thành tốt. Ở ta thì khác. Trẻ lêu lổng lười học thì dễ hư hỏng, vì xã hội có rất nhiều cạm bẫy.
Câu chuyện dạy con của Mẹ Hổ đang tiếp tục được dư luận tranh cãi om xòm. Người Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung sau đây sẽ có thay đổi gì trong cách nhìn nhận phương pháp giáo dục của phương Đông hay không? Điều đó chúng ta hãy chờ xem.
ST:
http://vmcinhanoi.blogspot.com/2011/02/me-ho-day-con.html
0 comments