Nhân dịp Tết đến ta nói về các loài hoa mang ý nghĩa mà ít người biết được nguồn gốc tại sao người Tàu hay dùng trong dịp đầu năm ngay cả dân tộc Việt Nam cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.
- Mai :
Hoa mai có 5 cánh tượng trưng cho Ngũ phúc thần, đem lại điều may mắn thịnh vượng.
Vóc dáng của cành mai là vóc dáng của mỹ nhân như câu Kiều :"Mai cốt cách tuyết tinh thần".
Mai - Tùng - Trúc phối hợp cho tình bạn ,sự thanh cao của người ẩn dật cao quí…
- Đào :
Đào tượng trưng cho vẻ đẹp thiếu nữ có sắc mặt tươi hồng như câu thơ của Thôi Hộ "Nhân diện đào hoa tương ánh hồng",trên sân khấu hí trường "đào hoa nhân" dùng để tả đôi mắy ướt rượt ,mời gọi của vai đào lẳng.
"Giọt máu đào nhễu xuống áo xanh" ám chỉ hiện tượng "Con ong đã tỏ đường đi lối về".
Cành đào dùng để cắm trước cửa ngày tết làm bùa trấn áp ma quỷ.Hoa và trái đào nhắc đến sự tích của bà tiên Tây Vương Mẫu của chốn thiên thai là biểu tượng cho sự trường sinh.
Tết đến, chỉ xin nói đến thú chơi, đó là chơi Hoa Đào, một thú chơi thanh tao, lịch lãm, vừa đơn giản dễ dàng vừa cầu kỳ chọn lựa. Đơn giản vì lên chợ hoa chọn lấy một cành trong triệu cành là có hoa đào chơi Tết.
Cầu kỳ là người chơi đào thế, phải hàng tuần lễ tìm hoa, thậm chí có khi từ hàng tháng trước, lên làng hoa đặt trước, để có một cành đào thế, vừa đẹp về hoa về nụ, vừa có thế về dáng về gốc, vừa có ý nghĩa về cành về lộc.. Đào có nhiều loại và có nhiều chuyện thành giai thoại. Đào bích là thứ đào phổ biến nhất, cành tròn, như cái ô đặt ngược, hoa thắm đỏ, rải đều trên khắp các cành chi, cành tăm, hoa chen nụ, nụ đỡ hoa, như một tình yêu nồng nàn, chan chứa. Có thể cắm trong phòng khách sang trọng, phòng lễ tân, trên bàn nhỏ tiếp khách, cũng có thể cắm trên bàn thờ làm hương nến thêm lung linh huyền ảo.
Đào phai, cũng là hoa kép nhiều tầng cánh như đào bích, nhưng hoa nhạt hơn, phơn phớt má hồng, làm ta nhớ đến câu thơ Nguyễn Du: ''Lối mòn cỏ lợt màu sương...", nó là màu của má hồng trinh nữ, là màu đượm chút phôi pha sương gió, là thanh lịch mà kín đáo kiêu kỳ, là nâng niu mà không thể phàm phu bỗ bã.
Đào ta là loài đào ăn quả, hoa phớt hồng như đào phai nhưng hoa đơn năm cánh, cành mang vẻ tự nhiên, nhiều lộc non về sớm trước xuân nên có vẻ sum suê tài lộc. Một cành to trong chợ, ta có thể mua một nhánh vừa tầm căn phòng ta ở, cưa ngay tại chợ càng vui.
Cuối năm, nhiều gia đình ở làng quê sang nhà nhau xin một cành đào ta nơi cây đào góc sân hoa bắt đầu thưa thớt. Gần tết, nhiều chuyến xe dã chiến từ biên giới về đồng bằng ăn tết, sau xe buộc vài cành đào thẳng vút, như cây khô không nụ. Đó là thứ đào bạt ngàn biên giới, tháng giêng cho hoa, tháng năm kết quả có khoang đỏ hồng như má cô gái Mèo, phơn phớt lông tơ, cắm nó vào bình nước sau khi hơ gốc trên ngọn lửa hay than hồng, chỉ qua một hai đêm, hoa bừng nở như từ biên giới theo về chuyến xe sau ta không biết, nay thành đàn bướm hồng đậu lên cành chi chít.
Lại hiếm hoi lắm khi sau hàng chục năm mới gặp một cành bạch đào, đào mà hoa trắng ngần như tuyết, như bông nõn, mang nguyên vẻ băng trinh thanh khiết của tiên giới chưa nhuốm bụi trần. Bạch đào quý vì sự trắng trong ấy và quý vì nó hiếm hoi…
Mọi cành đào trước khi cắm bình đều phải hơ gốc trên than lửa, phải chăng nó giống như người, có gian truân đau đớn mới lịch lãm thành công, nở những mùa hoa tươi tắn?
Chợ hoa Hàng Lược đã có trên 500 năm, nguyên chỉ tết đến, dân ven kinh thành mang cây mang hoa ra ven sông Tô Lịch đổi chác làm vui. Bãi cỏ ấy đã thành chợ Đồng Xuân, chợ hoa chuyển sang khúc sông chảy chéo lên hướng Bắc kề cạnh đó. Cách đây 112 năm (1893), khúc sông ấy trong nội thành bị lấp hoàn toàn, nhưng giữ lại cái tên là phố Sông Tô Lịch, vì có nghề làm lược nên nó cũng mang tên là phố Hàng Lược, và tiếp tục truyền thống xa xưa, mỗi năm phiên chợ hoa họp liền 7 ngày thành một biển hoa đào cứ dập dờn muôn ngàn lớp sóng làm từ hoa, từ muôn ngàn người đẹp tìm hoa.
Hoa về đây chủ yếu là từ vùng Tứ Liên, Quảng Bá, Nhật Tân, Phú Thượng, bạt ngàn một cánh đồng mênh mông hàng triệu gốc đào, có người gọi nó là "Dinh Đào", một cái dinh không để cho quan ở mà cho hoa cư ngụ làm đẹp cuộc đời mỗi khi xuân đến.
Tháng 11 Âm lịch, phải tuốt hết lá để cây đào tập trung sức làm nụ chờ hoa. Tùy theo thời tiết mà phải hãm hay thúc, phải ''thiến" tức cắt khoanh xung quanh gốc, để hoa nỡ đúng thì, không trễ tràng muộn mằn, không quá sớm làm hoa bẽ bàng tủi phận. Thì hoa cũng giống người, và hoa đào với cô đào có khi là trùng hợp trong tâm khảm thẳm sâu của người yêu cái đẹp. Chí lý thay, mùa xuân phải có hoa đào, như mỗi chúng ta, ai chẳng có một tình yêu chan chứa trong tim... Chơi hoa, chơi hoa đào là cái thú của nhiều người, nhất là những ai ở Hà Nội. Hầu như tết đến, không gia đình nào thiếu một cành đào mơn mởn, vì vậy mà "dinh đào" vào ngày cuối chạp chỉ còn trơ những luống đất nâu hồng, tiễn hàng triệu cành về khắp ngả phố phường và đất nước. Đất lại bền gan đợi mầm non mới nhú, cho sang năm tiếp tục tưng bừng, Chợ hoa đào Hàng Lược nay thành chật chội, không chứa nổi dòng sông hoa đào như lũ cuốn, nó phải tràn sang cả Hàng Chai, Hàng Đậu, Phan Đình Phùng, Hàng Giấy, Hàng Cót... và nhiều chợ hoa khác như Ngõ Huế, Chợ Mơ, Ô Chợ Dừa, Ngã Tư Sở, Văn Miếu... và cả một dải đê dài ven làng cổ Nhật Tân, khách chơi hoa nườm nượp tìm hoa, làm tắc nghẽn cả đường xe chạy nhưng không ai trách ai, bởi mọi tấm lòng đều mang đồng cảm, hướng về cái đẹp diệu kỳ của loài hoa mang hồn xuân, mang tình yêu ta gọi là Đào.
Miền Nam có mai vàng, loài cây dại Trường Sơn được thuần hóa, không phải cây mai cho quả như mơ chùa Hương, mơ Lạng Sơn, mơ Đông Phù Liệt.
Riêng vùng "dinh đào" vẫn bạt ngàn mỗi năm hàng triệu cành, thỏa mãn người Hà Nội, còn vào cả phía Nam và ra nước ngoài, mang mùa xuân Hà Nội đi chia vui cùng mùa xuân người xa xứ…
Chỉ riêng cái bình để cắm đào cũng là một thú chơi. Đào đã đẹp đã tươi đã tình... nó không chịu được pha lê, dù là pha lê Bô Hêm, mà chỉ là bình gốm, bình đồng đen, có khi chỉ là cái hũ sành vẫn được, chẳng khác nào người đẹp đâu cần phấn son lòe loẹt.
ST: (google giải đáp)
http://www.google.com.vn/giaidap/thread?tid=5e3a6c641c5d8a2f&hl=vi&table=%2Fgiaidap%2Fsearch%3Foe%3Dutf-8%26client%3Dfirefox-a%26q%3DL%25C3%25AA%2BKi%25E1%25BB%2581u%2BNh%25C6%25B0%26rls%3Dorg.mozilla%253Avi%253Aofficial%26sa%3DN%26ie%3DUTF-8%26tab%3Di2%26pli%3D1%26um%3D1%26biw%3D1024%26bih%3D550%26hl%3Dvi
0 comments