Công nghệ mới - biến điều không tưởng thành hiện thực
Một chiếc máy có thể giúp đọc được những suy nghĩ trong đầu của một người là điều không tưởng và luôn là niềm mơ ước của giới khoa học. Nhưng, giấc mơ đó đang dần trở thành hiện thực. Xuất phát từ yêu cầu đặt ra cho cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố trên toàn thế giới, các nhà khoa học Mỹ đã không ngừng nghiên cứu và tiến hành nhiều thử nghiệm kiểm tra sóng não nhằm phát hiện các thông tin liên quan đến tội phạm ngay khi chúng còn đang tồn tại dưới dạng ý tưởng nằm trong đầu những kẻ đang có ý định khủng bố.
Nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý học đến từ Đại học Northwestern - Chicago, Mỹ đã mở ra hướng đi đúng đắn và đem lại lời giải cho bài toán tưởng như không thể có lời đáp ấy.
Công nghệ mới ra đời dựa trên nền tảng của loại thiết bị phát hiện nói dối được phát triển từ những năm 1950. Tuy nhiên, không giống với cách phát hiện nói dối truyền thống là đặt ra các câu hỏi nghi vấn có hay không có để đối tượng trả lời tập trung vào các tình tiết đặc biệt có thể dẫn tới việc tìm ra thủ phạm, công nghệ mới là sự kết hợp của thiết bị kiểm tra nói dối với các thiết bị kiểm tra sóng não.
Trên thực tế, từ những năm 1980, Peter Rosenfeld đã kết hợp loại máy kiểm tra nói dối với công nghệ ghi lại hoạt động sóng điện não. Ông đã tìm ra sóng não có tên gọi P300 - là loại sóng não có chức năng kích thích quá trình hình thành hình ảnh sau 300 mili giây và có thể được phát hiện thông qua các cực điện gắn lên phần da đầu.
P300 được biết đến với vai trò kích thích quá trình hình thành hình ảnh và có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc kiểm tra ý định phạm tội. Để kiểm tra thông tin về ý định phạm tội, việc theo dõi P300 có thể giúp ta lần ra tín hiệu thần kinh của quá trình nhận thức bất chợt hay vô tình về một vấn đề, một sự kiện hoặc một mẩu thông tin nào đó có liên quan đến tội phạm đang diễn ra trong đầu đối tượng.
Nhóm của giáo sư Rosenfeld cũng áp dụng cách kiểm tra này cho các trường hợp được sắp xếp sẽ phạm tội giả định. Chẳng hạn như sử dụng nó để kiểm tra một người đang có ý định trộm một vật gì đó. Kết quả ghi lại thông tin do sóng não phản ánh là khá chính xác. Tương tự, nhóm nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra 29 sinh viên trong trường. Những sinh viên này được chia làm hai nhóm: một nhóm được giao nhiệm vụ đóng vai những kẻ tội phạm và đang ôm trong đầu một kế hoạch phạm tội; nhóm còn lại hoàn toàn vô tội. Kết quả là thiết bị đã đọc ra 4 người với 4 ý định phạm tội một cách chi tiết và chính xác như: đang có ý định đánh bom nhằm vào các địa điểm ở Houston, Taxes. Ngay cả thời gian tiến hành kế hoạch hay các chi tiết cụ thể khác liên quan đến toàn bộ kế hoạch như: lựa chọn cách tiến hành ra sao, dự kiến viết thư khủng bố, lực lượng hỗ trợ... cũng được máy đọc ra hoàn toàn trùng khớp với suy nghĩ của sinh viên đó.
Trong khi đó, ở nhóm sinh viên đóng vai vô tội, thiết bị đã ghi lại toàn bộ thông tin sóng não P300 và đọc ra toàn bộ kế hoạch dự kiến sẽ đi chơi của nhóm sinh viên này, dù không một ai trong họ nói ra.
Toàn bộ các thông tin mà thiết bị đọc ra từ sóng não của cả hai nhóm sinh viên đều hiện lên với các dòng chữ chạy dài trên màn hình hiển thị của chiếc máy tính được kết nối với thiết bị.
Có thể trở thành công nghệ phát hiện tội phạm trong tương lai?
Kết quả các thử nghiệm đều cho thấy khả năng phân tích và nhận định chính xác các suy nghĩ liên quan đến ý định phạm tội trong đầu con người của công nghệ đọc sóng não.
Ngay cả những ý nghĩ chỉ là giả định do đối tượng tham gia thử nghiệm đã được phân công vai đóng thì chúng đều được đọc rõ và hiển thị trên màn hình.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, công nghệ đọc ý nghĩ phạm tội là một bước tiến mới có nhiều khả năng ứng dụng trong lĩnh vực an ninh nhằm phát hiện các âm mưu khủng bố, thực hiện tội phạm ngay khi nó còn tồn tại dưới dạng suy nghĩ bên trong đầu những kẻ sắp phạm tội. Thành tựu này có thể giúp khoanh vùng một cách hiệu quả các đối tượng tình nghi và ngăn chặn trước những kế hoạch khủng bố hay kế hoạch phạm tội khác trở thành hiện thực.
Song, theo nhìn nhận từ giới chuyên gia trong lĩnh vực an ninh, thực tế xuất hiện rất nhiều tình huống đa dạng và phức tạp hơn nhiều so với giả định trong các tình huống kiểm tra đã được kiểm soát và công nghệ này chỉ là một cách để tham khảo chứ chưa thể áp dụng trong phòng, chống tội phạm. Và tất nhiên, kết quả kiểm tra sóng não phát hiện ý định phạm tội cũng không thể được xem là bằng chứng để kết tội những đối tượng tình nghi.
Suckhoedoisong
st:
http://yeusuckhoe.blogspot.com/2010/11/biet-truoc-dau-hieu-pham-toi-qua-song.html
0 comments